3 mấu chốt “cản chân” xuất khẩu hàng Việt

Quá trình tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra không ít cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho hàng Việt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại 3 hạn chế nổi cộm “cản chân” hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Nhờ các FTA, xuấ khẩu hàng hóa đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể thời gian qua

Xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc

Theo thông tin Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố mới đây, thời gia qua, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn. Khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Đong đếm con số cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ: Trong 8 năm qua (2011-2018), thị trường xuất khẩu đã được mở rộng cả về quy mô lẫn cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Điều này góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Giai đoạn 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu trong 8 năm tăng gấp 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD  vào năm 2018. Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến năm 2017 đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.

Về quy mô thị trường xuất khẩu, nếu như năm 2011 Việt Nam chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018 có tới 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD). Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điển hình như, mặt hàng gạo đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh thị trường truyền thống, Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông. Sản phẩm gạo trắng cao cấp, gạo hạt tròn và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào các thị trường “khó tính”, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới. Ở góc độ mặt hàng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt.

Bên cạnh đó, mặt hàng rau quả cũng đạt nhiều thành tích trong công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Hà Lan, Anh); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt. Thanh long vào thị trường Singapore…

Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu, điểm đáng lưu ý phải kể đến là mặt hàng dệt may đạt mức tăng trưởng trên hai con số năm 2018 (đạt 30,5 tỷ USD, tăng 16,7%), đạt mức tăng trưởng cao tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (tăng 11,6%), Nhật Bản (tăng 22,6%), Hàn Quốc (34,9%), Trung Quốc (tăng 39,6%), EU (9,9%). Tương tự, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu.

3 hạn chế nổi cộm

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, quá trình tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đang tồn tại những hạn chế nhất định.

Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ, hạn chế thứ nhất thể hiện ở khả năng thâm nhập các thị trường mới. Cụ thể như với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thông qua các Hiệp định FTA), song việc đàm phánđể được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường (như sữa, thịt lợn, mốt số loại rau quả).

Thứ ba là các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu chưa phát huy tối đa hiệu quả. Cục Xuất nhập khẩu phân tích: Hàng hóa Việt Nam mới đang bước đầu vào được trực tiếp thị trường phân phối ở các nước nhập khẩu. Hoạt động xúc tiến thương mại nói chung chưa được đồng đều và đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiếp thị và thâm nhập thị trường. Thứ hai là phát triển của một số mặt hàng nông sản có lợi thế còn hạn chế. Những hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán mặc dù đã được khắc phục nhiều nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, chưa đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường để tìm kiếm khách hàng mới và giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm… còn hạn chế. Kinh phí dành cho xúc tiến thương mại còn thấp so với nhiệm vụ duy trì, phát triển thị trường và nhu cầu doanh nghiệp. Tỷ trọng so với tổng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực…

Theo baohaiquan.vn