Chi phí logistics tiếp tục là thách thức cho xuất khẩu quý 2

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh yếu tố thuận lợi, thời gian tới xuất khẩu (XK) hàng hoá sẽ phải đối mặt khó khăn nhất định, điển hình như xung đột Nga-Ukraine tác động tới nguồn cung nguyên liệu sản xuất; chi phí vận chuyển, logistics tăng cao suốt 2 năm qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả XNK trong 3 tháng đầu năm nay?

3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK ghi nhận đạt 176 tỷ USD, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng trưởng rất cao; riêng XK đạt tăng trưởng 12,9%. Đặc biệt, các nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng XK khá cao khoảng 18-19%, trong đó có những mặt hàng đặc biệt như cà phê, gạo, thủy sản mức tăng trưởng còn cao hơn nữa từ 38% đến gần 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động XNK.


Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Một số ý kiến cho rằng, XK hàng hoá của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt là từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Quan điểm của ông ra sao?

Tôi cũng cho rằng, cơ hội lớn nhất là từ các FTA. Gần đây, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.

Ví dụ, trong CPTPP các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., mức tăng trưởng trong XK đều đạt từ 25-35%, thể hiện rất rõ cơ hội cho các DN. Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn cũng như tạo thuận lợi rõ ràng hơn, các DN cũng có cơ hội để đẩy mạnh XK sang các thị trường này. Trong khối RCEP có các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Hiệp định RCEP sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn.

Bên cạnh cơ hội, đâu là khó khăn mà XK hàng hoá Việt Nam phải đối mặt thời gian tới, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của dịch Covid-19. Tại Việt Nam tác động đó đã giảm bớt, có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh ở những thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt hiện nay dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc. Với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, khi có các ca bệnh Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả 1 thành phố hay 1 trung tâm sản xuất. Nếu những khu vực hiện nay đang cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản với số lượng nguyên liệu lớn cho Việt Nam bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa sẽ tác động đến nguồn cung nguyên liệu cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong vấn đề vận chuyển, logistics, 2 năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tại Trung Quốc, khi tình trạng dịch bệnh lan truyền có thể tại các cảng của Trung Quốc cũng sẽ bị ùn tắc, điều đó sẽ tiếp tục kéo dài thời gian vận chuyển, đẩy giá cước tiếp tục duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, những bất ổn xung đột Nga-Ukraine cũng là điều đáng lưu tâm. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga, với Ukraine chưa phải là lớn song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động đến giá cả trên thị trường, dẫn đến giá đầu vào của các nguyên liệu nói chung.

Cũng phải nói thêm rằng, xung đột Nga-Ukraine đặc biệt gây tác động đến mặt hàng nhiên liệu dầu thô, xăng dầu, đẩy giá dầu thô lên rất cao vì Nga là quốc gia cung cấp dầu thô, khí đốt hàng đầu thế giới. Điều đó tác động đối với chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có NK nhiên liệu, NK dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên, gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, đồng thời gia tăng áp lực cho hoạt động sản xuất của Việt Nam. Tác động đặc biệt rõ ràng với những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...

Năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu XK tăng 6 - 8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD; duy trì cán cân thương mại ở mức xuất siêu. Theo ông, đâu là giải pháp mấu chốt để có thể đạt được các mục tiêu đề ra?

Có thể thấy hiện nay Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là đã có giai đoạn thử thách, vượt qua được tác động của dịch bệnh. Việt Nam cũng có đà tăng trưởng XK tốt duy trì qua nhiều năm. Thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất các DN, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, phải cùng nhau thực hiện khai thác, tận dụng tốt.

Xin cảm ơn ông!

*Nguồn: congthuong.vn

 

PT TRANSPORT LOGISTICS CO., LTD

Địa chỉ: 11/7 Nguyễn Oanh (Số 5A đường số 4), p.10, Gò Vấp, Hồ Chí Minh.  

Điện thoại: 08 629 55 440 (phím 10) - 08 6 6562404

Fax: 848 3 9164 165

Hotline: 0908 664 085

Email: info@pt-logistics.com

Website: https://pt-logistics.com