Chính sách thuế đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất thực hiện dự án vay ODA
Máy móc xây dựng, máy ủi, tàu… của nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu- tái xuất để thực hiện dự án vay ODA tại Việt Nam không thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nên phải nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập khẩu, khi tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu.
CBCC Chi cục Hải quan cảng Cái Lân kiểm tra hàng hóa XNK
Đây là trả lời của Bộ Tài chính với Đại sứ quán Nhật Bản về chính sách thuế đối với hàng hóa tạm nhập- tái xuất.
Phân tích chính sách thuế NK đối với hàng hóa tạm nhập- tái xuất, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK thì: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất”.
Tại điểm đ Khoản 1 Điều 19 Luật Thuế XK, thuế NK quy định: “Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan. Số tiền thuế nhập khẩu được hoàn lại xác định trên cơ sở trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng, lưu lại tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa đã hết trị giá sử dụng thì không được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp. Không hoàn thuế đối với số tiền thuế được hoàn dưới mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ”.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, máy móc xây dựng, máy ủi, tàu… của nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu - tái xuất để thực hiện dự án vay ODA tại Việt Nam không thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nên phải nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập khẩu, khi tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu.
Về điều kiện áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), nếu nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa và các điều kiện khác quy định tại Hiệp định CP-TPP thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặt biệt theo Hiệp định CP-TPP, khi tái xuất khẩu sẽ được hoàn lại khoản thuế nhập khẩu tương ứng trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa.
Về thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết, theo các quy định hiện hành, máy móc, vật tư của nhà thầu Nhật Bản tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Với thuế Tiêu thụ đặc biệt, trường hợp máy móc, vật tư không phải là xe ô tô, mô tô, tàu bay, du thuyền, điều hòa nhiệt độ, xăng các loại quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt được tạm nhập- tái xuất để thực hiện dự án thì không thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp máy móc, vật tư tạm nhập- tái xuất để thực hiện dự án là các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuộc diện phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu thì thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt khi tạm nhập khẩu và được xử lý hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi tái xuất khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Theo Báo Hải Quan Online