CPTPP: cơ hội cho kinh tế Việt Nam
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam (VN) từ ngày 14/01/2019. CPTPP có hiệu lực theo lộ trình thực hiện sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%. Ngành dệt may và giày da túi xách được hưởng nhiều thuế ưu đãi nhất. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ngành dệt may và giày da túi xách. Tuy nhiên, DN cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cơ hội lớn
Hiệp định CPTPP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico,... Theo đó là sự thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào các ngành, lĩnh vực mà VN đang có nhu cầu phát triển.
Thực thi CPTPP vấn đề quan tâm là sự kỳ vọng. Nhà ĐTNN có thể kỳ vọng vào nền kinh tế VN tăng trưởng tốt hơn. Theo đó, DN trong nước cũng kỳ vọng vào tăng trưởng quốc gia. Vì thế, việc kỳ vọng này sẽ kéo theo đầu tư tăng, tạo ra những tiềm năng tốt cho tăng trưởng trong năm 2019.
Có thể thấy tác động của CPTPP tới FDI vào VN xuất phát từ mở cửa đầu tư và giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về bảo hộ đầu tư; tự do hóa dịch vụ và tận dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ trong thương mại... Làn sóng FDI đầu tư vào VN trong thời gian tới có thể giúp VN thay đổi được công nghiệp phụ trợ.
Nhà ĐTNN sẽ kéo theo các DN FDI ngành công nghiệp phụ trợ vào VN, chứ không đơn thuần là đặt hàng gia công, lắp ráp. Theo đó, cán cân thương mại với Trung Quốc cũng có thể thay đổi, giảm dần được thâm hụt như hiện nay do các DN FDI sản xuất linh phụ kiện ngay tại VN. Vì vậy, có thể thấy yếu tố nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ CPTPP.
Hai ngành dệt may và da giày không chỉ có lợi với CPTPP mà là hầu hết các FTA VN đang tham gia. Việc thực thi CPTPP còn có tác động tích cực hơn cho nhóm ngành thâm dụng lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh ở VN.
Hiện nay, phần lớn các DN xuất khẩu hàng dệt may, giày da, túi xách ở TP. HCM đang chuẩn bị các điều kiện để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu của Hiệp định CPTPP. Trong đó, Canada, Peru và Mexico là 3 thị trường được các DN đánh giá có triển vọng. Tại ba thị trường lớn này, VN chưa có Hiệp định thương mại song phương. Do vậy, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, hàng dệt may, giày và túi xách của DN thuế suất vào đây sẽ bằng 0%. Để tận dụng tốt cơ hội này, DN cũng chuẩn bị các điều kiện quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi. Sắp tới, nhiều DN sẽ tìm nguồn nguyên liệu của Australia và một số nước khác trong khối tham gia Hiệp định. Bên cạnh đó, các DN dệt, nhuộm vải cũng đang tăng tốc đầu tư để tăng nguồn nguyên liệu trong nước.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho ngành may trong nước chỉ chiếm khoảng 20% - 30%, số còn lại DN phải nhập, trong đó phần lớn nguyên liệu nhập từ các nước và vùng lãnh thổ không thuộc khối CPTPP là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Để đáp ứng về yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên liệu trong nước, chỉ có sự nỗ lực từ phía DN chưa đủ, cần có cơ chế chính sách đồng bộ từ phía Bộ, ngành chức năng tạo điều kiện cho ngành dệt, nhuộm trong nước phát triển.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP. HCM cho rằng, Hiệp hội đang chờ các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may. Có thể các nhà đầu tư này trong khối CPTPP sẽ tạo điều kiện đầu tư nhiều hơn về nguyên phụ liệu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất khẩu hàng may mặc trong nước.
Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các DN xuất khẩu da giày tăng tỷ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada,... Riêng Nhật Bản, một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, túi xách VN với mức tăng trưởng trung bình 20% - 35%/năm, nếu DN biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại.
Bên cạnh đó, hiện nay, Canada đã áp thuế nhập khẩu 0% cho giày da và túi xách VN mà không cần lộ trình, là cơ hội tốt để các DN VN tham gia sâu hơn vào thị trường này.
Thực thi CPTPP tới đây, sẽ tạo ra động lực dịch chuyển chuỗi cung ứng. Vì trong chuỗi này, hoạt động xuất nhập khẩu hầu như không có rào cản. Chẳng hạn như trường hợp của Samsung, trước đây chỉ có 1 DN có thể tham gia chuỗi cung ứng, nhưng hiện tại, theo thông báo của tập đoàn này, sẽ có 200 DN đủ điều kiện được cung cấp linh kiện.
Tuy nhiên, việc nắm bắt và tận dụng cơ hội không phải là bài toán đơn giản nếu DN đơn độc, tự mình giải quyết vì chi phí tìm hiểu rất tốn kém. Cho nên cần kết nối hợp tác giữa các DN cùng sản xuất một mặt hàng, cũng như DN trong từng ngành hàng.
Những thách thức cho doanh nghiệp
Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Mặt khác, thực trạng của DN Việt hiện nay phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các “luật chơi” mới còn hạn chế, lại thiếu nguồn vốn đầu tư, việc mở rộng quy mô sản xuất khó khăn, khoa học công nghệ lạc hậu, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao còn thấp nên năng suất lao động kém... Vì vậy, khối DN này cần có những nỗ lực bứt phá để vượt qua thử thách, tìm kiếm cơ hội trong CPTPP.
Ngành da giày tuy được hưởng lợi, nhưng thực tế thì không ít thách thức. Bởi ngành này chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động rất hạn chế, vì khách hàng tự tìm đến DN đặt hàng. Do vậy, DN thiếu đi tầm nhìn để tận dụng CPTPP trong 5 - 10 năm tới.
Đáng chú ý, thách thức khác là việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics để hỗ trợ xuất khẩu. VN cần xem lại cơ sở hạ tầng, logistics vì đây là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng không tốt thì dù thị trường có mở rộng cũng không tận dụng được. Hiện tại, các cảng hàng không và cảng
biển đều đang hoạt động hết công suất, nếu các DN đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới thì hệ thống này có thể bị quá tải, gây ùn ứ như trường hợp cảng Cát Lái (TP. HCM).
Theo quy định của CPTPP, mức thuế suất xuất nhập khẩu bình quân áp dụng cho các DN VN xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các DN nước ngoài sẽ nhanh chân hơn DN trong nước trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi này khi họ có đủ tiềm lực để giải quyết các vấn đề mà DN VN đang gặp phải.
Do vậy, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, khối DN trong nước phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị, trong đó DN lớn dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị của mình. Nếu không sẽ mất cơ hội, trước khi các DN nước ngoài vào hưởng lợi tại VN.
CPTPP có hiệu lực, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia. DN VN có tận dụng được cơ hội hay không, phụ thuộc vào chính bản thân các DN. Do vậy, các DN cần thay đổi cách làm ăn chuyên nghiệp hơn, có chiến lược đầu tư dài hạn thì mới tiếp cận và tận dụng cơ hội này. Nếu không, DN của các nước khác sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Bởi, trong cơ hội bao giờ cũng kèm theo thách thức.
Nguồn: Nguyễn Văn Khanh