Đã giải phóng gần 600 container quá hạn tại các cảng biển

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến ngày 26/4/2019, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển còn lại 14.468, giảm 2.748 container so với tháng 3/2019. Trong đó, số lượng container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày là 4.979. Lương container lưu tại kho, bãi, cảng từ 30 đến 90 ngày là 620; số lượng tồn động lưu giữ trên 90 ngày là 8.869 container, giảm 594 container so với tháng 3/2019.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cảng Nam Hải, gần 2 tháng qua, dù cảng Nam Hải có chính sách giảm giá cho doanh nghiệp từ 60 - 80% phí lưu bãi, nhưng hiện tại, mới chỉ có hơn chục container được rút ra, hơn 1.000 container khác vẫn tồn tại cảng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải phóng hàng cũ, lấy không gian tiếp nhận những lô hàng mới.

Đại diện cảng Hải Phòng cũng cho biết, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã giải quyết cho một số doanh nghiệp lấy hàng phế liệu về sản xuất với mức giảm cao nhất là 20%, song tiến độ rút hàng vẫn rất chậm. "Cảng sẽ tiếp tục tạo điều kiện về chi phí lưu bãi cho hơn 200 container tồn đọng còn lại, song mức giảm sẽ tương ứng theo doanh thu các hãng tàu đóng góp cho cảng này", đại diện này cho hay.

Thực hiện Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng hải VN đã có văn bản gửi các hãng tàu biển, doanh nghiệp cảng biển triển khai đề xuất chủ trương miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho doanh nghiệp chủ hàng nhập khẩu. "Tuy vậy, tiến độ báo cáo của các đơn vị đến nay vẫn rất chậm", ông Cường thông tin.

Cũng theo ông Cường, thời gian qua, Cục Hàng hải VN liên tục "thúc" các hãng tàu biển khẩn trương báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển; Thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý.

"Cục Hàng hải VN cũng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng phải kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuongs cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định.

Trường hợp hàng hóa đã dỡ xuống cảng nhưng cơ quan hải quan, môi trường kiểm tra phát hiện là chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định hiện hành"

Nhằm giải phóng lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng biển, mới đây, Bộ Tài Chính đã có báo cáo trình Chính phủ đề xuất thành lập hội đòng xử lý hàng hóa tồn đọng kèm theo hai phương án xử lý.

Phương án 1, hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu quá thời gian hạn định, hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy.

Phương án 2, hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng (bao gồm lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn về môi trường và lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn). Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

VITIC tổng hợp/Tham khảo mt.gov.vn