Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm logistics tại miền Trung

Nghị quyết 43-NQ /TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.

Vẫn trong tình trạng "tụt hậu"

Trước đó, vào tháng 7/2018, HĐND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu quy hoạch hệ thống trung tâm logistics gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng khép kín của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Mục tiêu tổng thể của Đà Nẵng là tận dụng kinh tế của địa phương để phát triển được hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của thành phố, các tỉnh lân cận và một phần lượng hàng hóa từ hành lang kinh tế Đông – Tây. Trong đó, cảng Liên Chiểu được xác định là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong các nước ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia ngành logistics hoạt động logistics ở Đà Nẵng đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Với một số nước trong khu vực ASEAN dù không có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, thì Việt Nam vẫn tụt hậu. Các dịch vụ hoạt động ở mảng đầu tư này còn rất manh mún, không có tính liên kết tạo chuỗi dịch vụ giữa các doanh nghiệp, chủ yếu chỉ là giao nhận vận tải cơ bản, chịu chi phí cao, phụ thuộc chỉ định dịch vụ của các tổ chức kinh tế nước ngoài với tỷ lệ dịch vụ chưa đến 30%; phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp (nội địa hoặc một vài nước trong khu vực).

Trên địa bàn có khoảng 100 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này nhưng vừa yếu lại vừa thiếu từ tài chính cho đến cơ hội kinh doanh. Đặc biệt thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực logistics. “Xét về tính thân thiện (thủ tục hải quan, quy trình kiểm hàng hóa, giấy phép...) của đội ngũ sở ngành quản lý, kiểm soát dịch vụ logistics chỉ được đánh thứ hạng C trong hệ thống dịch vụ công địa phương.

Hành lang pháp lý còn thiếu minh bạch”, ông Lê Cảnh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, hoạt động logistics ở Đà Nẵng nhận xét.

Hướng tới chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung

Đề khắc phục tình trạng này, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX mới đây, đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Nghị quyết xác định ưu tiên thu hút đầu tư vào các cơ sở hạ tầng logistics nhằm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đạt hiệu quả cao, đơn giản hóa các thủ tục, tránh chồng chéo nhiệm vụ quyền hạn giữa các cơ quan liên quan.

Thành phố đã đề ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics gồm khắc phục yếu kém của doanh nghiệp logistics nội địa so với các đối thủ quốc tế; tăng cường hợp tác, liên kết hoạt động logistics giữa doanh nghiệp trong khu vực, tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng biệt về dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp logistics nội địa và các giải pháp về nguồn nhân lực.

UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng trung tâm logistics có tổng diện tích sử dụng 20ha tại các xã Hòa Sơn và Hòa Nhơn thuộc huyện Hòa Vang, giao Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng có trách nhiệm thực hiện các bước xây dựng cơ bản tiếp theo.

Về quy mô, trung tâm logistics Đà Nẵng sẽ bao gồm Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên mới, Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics Công nghiệp Khu công nghệ cao, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác. Đồng thời, Đà Nẵng tập trung quy hoạch, cải thiện hệ thống giao thông kết nối, xây dựng mới một đường sắt khổ đơn lồng kết nối trực tiếp ga hàng hóa đường sắt Kim Liên với trung tâm logistics cảng Liên Chiểu. Xây dựng tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1 phía Nam hầm Hải Vân...

Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, dự kiến đến 2020 trung tâm logistics trên địa bàn thành phố sẽ đáp ứng 25% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 2025 là 30%, 2030 là 35%, đến 2050 là 55%. Đối với luồng hàng hóa qua cảng hàng không tương ứng là 10%, 15%, 20%, 40%. Đối với luồng hàng hóa qua đường sắt 2030 là 20%, 2050 là 40%. “Trung tâm logistics có khả năng cung cấp một số dịch vụ logistics cạnh tranh trao đổi hàng hóa quốc tế trung chuyển trên hành lang kinh tế Đông - Tây vào ra cảng biển Đà Nẵng, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng như tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã nêu rõ”, ông Dũng khẳng định.

Theo Trần Trình Lãm