Đề xuất bỏ định giá vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không

Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát mức giá trần vé máy bay, bỏ định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành đối với báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDD VN), nhằm chuẩn bị các bước để sửa đổi, bổ sung luật này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ GTVT bày tỏ quan điểm giữ nguyên giá trần vé máy bay nội địa nhưng đề xuất bỏ định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

Cần thiết sửa Luật HKDD VN

Theo Bộ GTVT, sau 16 năm thực hiện Luật HKDD VN 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HKDD VN, cho thấy hành lang pháp lý hoạt động hàng không đã thể hiện tư duy mới trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện đầu tư các sân bay…

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2010-2020 tổng nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ 22 sân bay khoảng 113.558 tỉ đồng. Việc đầu tư các sân bay đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành. Điều này được chứng minh khi đến nay đã có sáu hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Vasco khai thác thị trường.

Các hãng này đang khai thác 62 đường bay nội địa. Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và 70 hãng hàng không nước ngoài khai thác hơn 150 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến thường lệ. Mạng đường bay quốc tế kết nối chín sân bay của VN và tới 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bên cạnh sự phát triển trên, Bộ GTVT cũng nhận thấy quy định của pháp luật còn hạn chế. Chẳng hạn còn kẽ hở trong việc quản lý máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quy định của pháp luật về việc cấp chứng chỉ chuyên môn cho nhân viên hàng không do Nhà nước tham gia là không cần thiết, mà nên giao lại cho doanh nghiệp (DN) vì nó gắn với chuyên môn, nghiệp vụ do DN đánh giá và bố trí.

Một bất cập nữa cũng được Bộ GTVT nêu đó là việc hiện nay chỉ sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có đồn công an tại khu vực lân cận cảng để đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng xử lý vụ việc vi phạm. 20 sân bay còn lại không có lực lượng công an thường trực nên khi có vụ việc vi phạm, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không hoặc Cảng vụ hàng không phải liên hệ, thông báo đến công an địa phương. Tình thế này dẫn đến nhiều trường hợp lực lượng công an chưa có mặt kịp thời để ngăn chặn, xử lý hiệu quả vụ việc vi phạm.

Cần xem xét lại tính chất của thị trường khi Nhà nước bỏ định giá

Luật HKDD VN và Luật Giá quy định cho phép hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa (gồm vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa) trong khung giá do bộ trưởng Bộ GTVT quy định. Có nghĩa là Nhà nước đang quy định mức giá trần.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng hiện nay thị trường vận chuyển hàng không nội địa VN đang có sự tham gia của sáu hãng. Tức là thị trường nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao.

Cạnh đó, dịch vụ vận chuyển hàng không là loại “hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”, không thể lưu kho, có mùa cao điểm, thấp điểm. Chuyến bay giờ phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao để có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách hàng và ngược lại, những chuyến bay muộn, bay đêm thường ít hành khách. Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ là cần thiết.

Với những yếu tố đặc thù này của dịch vụ vận chuyển hàng không, Bộ GTVT cho rằng cần thiết xác định lại vai trò, sự tham gia điều tiết giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của Nhà nước để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của DN và bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Thế nhưng ở phần đề xuất, Bộ GTVT cho rằng nên sửa luật theo hướng Nhà nước vẫn quy định mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa (tức là giá trần vé máy bay) nhưng bỏ định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

Về vấn đề này, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng cơ chế quản lý giá của Nhà nước trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của loại hình thị trường đó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước.

Theo đó, thị trường độc quyền, Nhà nước phải quy định mức giá cụ thể, còn ở mức độ cạnh tranh như mặt hàng xăng dầu, có đơn vị thống lĩnh thị trường (Tập đoàn Xăng dầu VN - Petrolimex vẫn chiếm khoảng 50% thị phần) thì Nhà nước quy định giá trần hoặc giá sàn. Trường hợp không có DN thống lĩnh thị trường thì để cho thị trường tự quyết định.

Với nguyên tắc trên, cơ quan quản lý nhà nước cần xem vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có bao nhiêu DN tham gia, thị phần nắm giữ của từng DN như thế nào, thực trạng, tính chất thị trường ra sao, có độc quyền, thống lĩnh thị trường không. “Từ đó, cơ quan nhà nước đưa ra quyết định chứ không thể nói theo cảm tính được…” - PGS-TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

*Theo Thời báo tài chính Việt Nam

 

PT TRANSPORT LOGISTICS CO., LTD.

Địa chỉ: 11/7 Nguyễn Oanh (Số 5A đường số 4), p.10, Gò Vấp, Hồ Chí Minh.  

Điện thoại: 08 629 55 440 (phím 10) - 08 6 6562404

Fax: 848 3 9164 165

Hotline: 0908 664 085

Email: info@pt-logistics.com

Website: https://pt-logistics.com