Doanh nghiệp logistics nội địa còn kém sức cạnh tranh

Thiếu vốn và nhân lực là 2 yếu tố cơ bản làm cho các doanh nghiệp logistics trong nước kém sức cạnh tranh so với doanh nghiệp logistics nước ngoài.

Dự án xây dựng Trung tâm logistics, cảng tổng hợp Cái Mép hạ. Ảnh: TTXVN

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tham gia hai FTA đa phương lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiến triển vô cùng nhanh chóng với sự phát triển của các công nghệ đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực logistics (dịch vụ hậu cần) của Việt Nam nhưng cũng đem đến rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành, nhất là trước sức ép đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả để cạnh tranh. 

Chưa vươn ra quốc tế 

Theo các chuyên gia, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics; trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quy mô vốn khi đăng ký của các doanh nghiệp ngành logistics còn rất hạn chế, tới 90% số doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia lĩnh vực logistics ở quy mô nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp còn tư duy quản lý gia đình nên vẫn nhiều hạn chế trong điều hành quản lý, thiếu tầm nhìn hội nhập để vươn ra khu vực và thế giới. 

Quy mô nhỏ khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực logistics rất khó khai thác được tính kinh tế nhờ quy mô, không đủ nguồn lực để thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa logistics hiện nay gặp nhiều khó khăn như chi phí hoạt động cao, thiếu mặt bằng kho bãi, thủ tục hành chính liên quan còn phức tạp… 

Thiếu vốn và nhân lực là 2 yếu tố cơ bản làm cho các doanh nghiệp logistics trong nước kém sức cạnh tranh so với doanh nghiệp logistics nước ngoài. Cụ thể, theo ông Cao Ngọc Thành, Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải gánh chịu rất nhiều phí tổn và những phí tổn này ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của các doanh nghiệp. 

Dù trong thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm sự ùn tắc giao thông nhưng vẫn chưa đủ, các doanh nghiệp dù nỗ lực nhưng hệ thống đường sá chật hẹp và xuống cấp đã làm giảm hiệu quả vận chuyển và không đạt yêu cầu về thời gian. Điều này đã làm cho chi phí của doanh nghiệp logistics tăng lên và do đó, ảnh hưởng đến chi phí mà khách hàng phải gánh chịu. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), tính đến nay, VLA có 387 hội viên, bao gồm nhiều doanh nghiệp logistics hàng đầu trong ngành như: SNP, Gemadept, Transimex, Indotrans, TBS Logistics, BK Logistics, Vinafco, Sotrans…

Điều đó cho thấy, chỉ có số ít doanh nghiệp logistics hoạt động tham gia hiệp hội nhằm tăng tính liên kết, còn lại đăng ký kinh doanh nhưng không thực sự tham gia lĩnh vực logistics hoặc hoạt động đơn lẻ. 

Cũng theo VLA, Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. So với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp này có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu. 

Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đảm nhiệm hầu như toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho. 

Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mà mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài. 

Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp 

Logistics là yếu tố then chốt tiết giảm chi phí lưu thông, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics tốt sẽ giúp các chuỗi phân phối trên địa bàn có nguồn cung cấp hàng hóa ổn định, giá thành cạnh tranh.

Phát triển logistics sẽ giúp thành phố nâng cao vai trò trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất khẩu trọng yếu của cả nước và có vị thế ngày càng quan trọng trọng mạng lưới phân phối hàng hóa quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. 

Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, ý tưởng thành lập Ủy ban logistics Tp.Hồ Chí Minh đã được các hiệp hội đề cập từ rất lâu nhưng vẫn chưa hình thành được. Đây là Ủy ban tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực công tư, có trách nhiệm đưa ra các định hướng phát triển logistics quốc gia theo hướng tiên tiến, hiệu quả và bền vững. 

Logistics là yếu tố then chốt tiết giảm chi phí lưu thông, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tạo cầu nối cho doanh nghiệp liên kết, hội nhập. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh vào huy động nguồn lực đầu tư một cách có hiệu quả… 

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Đại học Tài chính marketing, Tp. Hồ Chí Minh nên sớm phát triển logistics theo hướng hình thành và phát triển nhanh thị trường dịch vụ logistics trọn gói 3PL (hiện các doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp các dịch vụ giản đơn 2PL: giao nhận, vận tải, lưu kho, đại lý thủ tục hải quan…) dựa trên nền tảng: hạ tầng bến cảng, kho bãi, giao thông được kết nối tối ưu; môi trường pháp lý, quản lý nhà nước (về logistics) minh bạch, hiệu quả; cộng đồng doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, có nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, đủ sức cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL với giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phân phối (bán buôn, bán lẻ). 

Theo Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, bên cạnh áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Đó là hoạt động logistics luôn gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu mà tiềm năng về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là rất lớn. 

Ngoài ra, triển vọng phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cũng là cơ hội lớn cho dịch vụ logistics phát triển… Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, đây chính là cốt lõi để doanh nghiệp có thể “vươn mình” trong xu thế phát triển chung của lĩnh vực logistics Tp. Hồ Chí Minh và quốc tế. 

Với mục tiêu đến năm 2025, logistics sẽ trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. 

Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, có các giải pháp cụ thể như tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về logistics, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực doanh nghiệp cũng như phát triển thị trường dịch vụ logistics…/.

Nguồn: Việt Âu/TTXVN