Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Xây dựng thương hiệu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là những giải pháp nhằm góp phần tăng trưởng xuất khẩu bền vững là khuyến nghị của các chuyên gia trong hàng loạt sự kiện liên quan đến hội chợ, xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2019.

Các diễn giả thảo luận về các giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019

Nhiều cơ hội và xu hướng mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, song Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam là thành viên của WTO từ năm 2007 và tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán 1 hiệp định và đang tiếp tục đàm phán 3 hiệp định khác. Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Viêt Nam - EU (EVFTA), sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều triển vọng và cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, với chính sách thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, Việt Nam ngày càng có nhiều dự án công nghiệp lớn, nhất là lĩnh vực chế biến chế tạo, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2%, tương ứng tăng 52,05 tỷ USD so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% tương ứng tăng 28,36 tỷ USD so với năm 2017. Mức thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với năm 2017. Riêng trong quý I/2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại diễn đàn xuất nhập khẩu tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định: "Theo xu hướng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu sẽ theo hướng bền vững hơn. Có thể kim ngạch xuất khẩu không tăng nhưng giá trị thu về của các doanh nghiệp sẽ cao hơn. theo đó, phương thức xúc tiến xuất khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự thay đổi tương ứng".

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã có bước tiến vượt bậc nhờ những chính sách hiệu quả, đồng thời doanh nghiệp cũng đã đổi mới phương thức tiếp cận thị trường, chú trọng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.

Do phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực có hạn, việc tự bươn chải vào các thị trường là quá sức. Do đó để xuất khẩu hiệu quả, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Cần sự cộng hưởng sức mạnh của cả cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Giải pháp nào để xuất khẩu bền vững

Ông Võ Trí Thành phân tích, xuất khẩu hiện cũng không còn bó hẹp ở việc doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài mà còn là hoạt động cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam như Samsung. Đây chính là phương thức xuất khẩu tại chỗ, đồng thời là cách giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bản thân xu hướng tiêu dùng của thế giới cũng đã có sự thay đổi, yếu tố xanh, nhân văn, cá tính trong sản phẩm đòi hỏi ngày một đậm đặc. Cùng với đó, các FTA đã ký kết có mức độ cam kết rất cao về quy tắc xuất xứ, trách nhiệm xã hội, môi trường... Do vậy, để hưởng lợi, doanh nghiệp không chỉ phải thỏa mãn hàng loạt các điều kiện "cứng" về tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải gắn kết với nhà nhập khẩu, chủ động trong tìm kiếm thị trường, chăm sóc khách hàng...

Theo các chuyên gia, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một cách để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu của mình, có như vậy mới đẩy mạnh được xuất khẩu.

Chia sẻ kinh nghiệm từ việc xuất khẩu chè sang châu Âu (EU), ông Phạm Minh Đức - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết sinh thái Việt Nam Eco Link cho biết, thị trường EU ban đầu chưa có nhiều ấn tượng với sản phẩm chè của Việt Nam do tâm lý lo ngại về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay chất lượng sản phẩm có thể không đạt tiêu chuẩn châu Âu. Để thay đổi nhận thức này, một mặt doanh nghiệp vừa nỗ lực trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng mặt khác kiên trì chào hàng, đưa các sản phẩm trực tiếp đến đối tác dùng thử.

Còn ông Phạm Minh Thông - Đại diện Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động (Hà Nam) cho hay, để xuất khẩu được hàng hóa, doanh nghiệp phải tìm hiểu rất kỹ về tiêu chuẩn chất lượng, pháp luật, thẩm chí cả thói quen tiêu dùng.

Ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án liên kết USAID cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng các doanh nghiệp Việt cần cải tiến, áp dụng công nghệ, kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, tăng cường kết nối với đối tác nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tăng tỷ lệ nội địa hóa. "Chỉ khi nội địa hóa tăng đến chuẩn quốc tế, Việt Nam mới có thể thu được đầy đủ các lợi ích của FDI hiện nay và xuất khẩu mới phát triển" - ông Ron Ashkin nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả nhất, giảm tải sức ép nguồn lực tài chính. Trong thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều hơn hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vẫn xuất khẩu, kết nối giữa người mua và người bán để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon nhằm gia tăng nguồn lực, cũng như mở cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp.

Theo Nguyên Vũ