Giảm Phí, Giá Cước Có Giảm ?

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe vận tải hàng hóa, 30% với xe kinh doanh vận tải hành khách trong 6 tháng năm 2023 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn. Thế nhưng mức giảm này chưa đủ để “thẩm thấu” vào giá cước.

Mức giảm không đáng kể

Trong dự thảo nghị định về mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi từ 130.000 - 1.430.000 đồng/tháng.

Cụ thể, mức phí xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh là 130.000 đồng/tháng; xe chở người từ 10 đến dưới 25 chỗ: 390.000 đồng/tháng; xe chở người từ 40 chỗ trở lên: 590.000 đồng/tháng. Xe tải, ô tô chuyên dụng có khối lượng toàn bộ từ 19 tấn đến dưới 27 tấn có mức phí 720.000 đồng/kg. Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên có mức phí cao nhất là 1.430.000 đồng/tháng.

Đề xuất giảm phí của Bộ Tài chính nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) trong điều kiện hiện nay.

Phấn khởi về đề xuất của Bộ Tài chính bởi “lúc khó, giảm được đồng nào hay đồng đó”, song ông Lê Văn Đào - Giám đốc điều hành Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hoa Mai - thừa nhận mức giảm nói trên không thấm vào đâu so với những khó khăn mà các DN đang phải chống chọi. Sau giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, đội xe của Hoa Mai giảm rất mạnh, chỉ còn 1/4 so với trước. Nếu như trước đây, mỗi đầu Bến xe Vũng Tàu và Bến xe miền Đông chạy được 60 - 70 chiếc/ngày thì sau dịch chỉ còn 22 chiếc. Việc di dời ra Bến xe miền Đông mới kéo theo nhiều bất cập khiến con số này tiếp tục giảm và đến nay chỉ còn 12 chiếc xe chạy mỗi ngày.

Phí sử dụng đường bộ chiếm tỷ trọng nhỏ, khó kéo cước vận tải giảm

“Mỗi năm, một xe 16 chỗ đóng khoảng hơn 3,2 triệu đồng phí sử dụng đường bộ, tính ra 1 tháng gần 270.000 đồng/xe, được giảm 30% thì chỉ giảm được khoảng 80.000 đồng/xe. Nhân lên với số lượng xe ít ỏi hiện nay, cộng với tình hình thực tế lượng khách ngày càng giảm, chi phí xăng dầu, nhân công ngày càng cao thì tính ra, mức hỗ trợ chỉ như muối bỏ bể. Nếu giảm được khoảng 50% thì sẽ tốt hơn nhiều”, ông Lê Văn Đào nêu ý kiến.

Tương tự, đại diện Công ty vận tải Toàn Thắng cho biết phí đường bộ chiếm tỷ trọng không lớn trong chi phí của các hãng xe. Mỗi năm, Toàn Thắng đóng khoảng 4,5 triệu đồng phí sử dụng đường bộ, tính ra mỗi tháng đóng chưa tới 400.000 đồng, giảm được 30% thì mỗi ngày đỡ được khoảng 20.000 đồng trên một phương tiện, quá nhỏ trên cấu thành chi phí. Chưa kể, việc đăng ký để được hưởng chính sách hỗ trợ cũng còn nhiều khó khăn. Khi Bộ Tài chính triển khai chính sách giảm phí sử dụng đường bộ cho các DN vận tải trong giai đoạn dịch bệnh, Toàn Thắng cũng không đăng ký tham gia được bởi cơ quan quản lý yêu cầu khá rắc rối và nguyên tắc về việc xác định thời gian xe dừng chạy.

Không đủ hạ giá cước

Điều mà người dân, DN kỳ vọng nhất đối với giảm phí là có thể giảm được cước vận tải, từ đó giảm chi phí đầu vào, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn. Thực tế, những biến động kéo dài của giá xăng dầu cùng khó khăn về lượng khách, nguồn hàng đã kéo chi phí vận tải tăng khá mạnh. Nếu trước đây, một vé xe từ TP.HCM về Vũng Tàu chỉ khoảng từ 120.000 - 200.000 đồng tùy loại xe thì nay đã tăng lên từ 150.000 - 240.000 đồng. Giá cước vận tải hàng hóa cũng đã tăng khoảng 10% so với năm trước. Bộ Tài chính kỳ vọng đề xuất trên nếu được Chính phủ thông qua sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá hàng hóa.

Tuy nhiên, kỳ vọng của Bộ Tài chính có thể khó khả thi bởi theo các DN, mức hỗ trợ thấp như vậy không đủ sức kéo giá cước xuống. Lãnh đạo 2 nhà xe Hoa Mai và Toàn Thắng đều nói thẳng giảm phí sử dụng đường bộ chỉ mang ý nghĩa đồng cảm, hỗ trợ phần nào chứ không thể đủ cấu thành giảm giá cước. Lượng hành khách sử dụng vận tải đường bộ giai đoạn sắp tới được dự báo sẽ khó tăng mạnh do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu du lịch sau giai đoạn bùng nổ sẽ hạ nhiệt. Cùng với đó, người dân đang có xu hướng tự sử dụng phương tiện cá nhân kể cả đối với các chặng đường dài, trong khi DN ngày càng tốn nhiều chi phí cho bài toán hạ tầng, bến bãi. Vì thế, giá cước hiện nay đã được giữ ở mức thấp nhất có thể và DN vẫn đang phải gồng mình chịu lỗ. Với DN vận tải hành khách được giảm 30% đã khó, DN vận tải hàng hóa với mức giảm chỉ 10% lại càng khó hơn.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty vận tải Quang Trung, liệt kê: Một tháng, một xe container 40 feet, trọng tải 30 tấn chở nhiều nhất được 3 chuyến hàng tuyến TP.HCM - Hà Nội. Mỗi lượt xe ngốn 750 lít dầu, nhân với giá dầu 25.000 đồng/lít thì tiền dầu mất gần 19 triệu đồng. Tổng chi phí qua các trạm thu phí là 5,1 triệu đồng, lương lái xe 5 triệu đồng; tiền sinh hoạt cho tài xế 1,2 triệu đồng; khấu hao xe, khấu hao lốp, phí sử dụng đường bộ…. tổng cộng gần 50 triệu đồng/lượt xe chạy tuyến Bắc - Nam. Trong khi đó, giá cước tuyến này hiện chỉ dao động từ 36 - 40 triệu đồng. Mỗi lượt xe, Quang Trung đang gánh lỗ gần 10 triệu đồng.

“Phí sử dụng đường bộ 1 năm 1,7 triệu đồng, chia tối đa 3 chuyến/tháng, mỗi chuyến 2 lượt là có 283.000 đồng/lượt, giảm 10% nghĩa là giảm hơn 28.000 đồng. Con số này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi phí 50 triệu đồng kia? Tất nhiên nhà nước giảm được đồng nào thì đỡ cho DN đồng đó nhưng để mong giảm giá cước hàng hóa xuống thấp hơn mức này thì DN không thể”, ông Dũng khẳng định.

Mở rộng chính sách và đối tượng hỗ trợ

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân) dự báo: Năm 2023 rất nhiều khó khăn đang “chờ đợi” người dân và DN. Nếu không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ quyết liệt, khó sẽ chồng khó. Trong thực tế, quý 4/2022, nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất hàng loạt, đặc biệt với các ngành gia công xuất khẩu như da giày, dệt may, gỗ, điện tử… Điều này đặt các DN vào tình thế hết sức cấp bách, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế. Thế nên, việc kéo dài các chính sách hỗ trợ, trong đó có giảm phí sử dụng đường bộ là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn là dòng tiền của DN đang cạn kiệt. DN nhiều ngành sản xuất hiện không được ngân hàng giải ngân do áp lực về room tín dụng, nên không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. Đặc biệt, DN trong lĩnh vực chế biến nông sản cần ký mua nguyên liệu trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2023 nhưng tiền hết. Hay các công trình xây dựng mà nhà đầu tư hết tiền, không vay được để trả bên thi công, cung ứng vật liệu… tạo hiệu ứng khó khăn dây chuyền. “Thế nên, bên cạnh chính sách tài khóa thì cần có thêm hỗ trợ về chính sách tiền tệ để DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch mới trọn vẹn và hiệu quả”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa cho rằng hàng ngàn công nhân bị sa thải vì không có việc làm là vấn đề lớn của xã hội. Các chính sách cấp bách lúc này là Nhà nước, cụ thể là Bộ LĐ-TB-XH, phải xây dựng chương trình hỗ trợ DN và người dân nhằm tái đầu tư nguồn lao động, nâng cấp chất lượng lao động của VN.

Theo thanhnien.vn