Hạ tầng giao thông: Mừng và lo


Hàng loạt dự án giao thông hoàn thành và được đưa vào sử dụng trong năm 2018 đã giúp rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian đi lại so với hiện tại, đồng thời tăng kết nối giữa các địa phương, tạo hiệu ứng tích cực trong việc kết nối logistics, phát triển kinh tế-xã hội... Tuy nhiên bên cạnh những hiệu quả đó, nhiều vấn đề hạ tầng giao thông cần có những đổi thay.


Đông Sài Gòn bứt phá ngoạn mục nhờ hạ tầng giao thông. Ảnh: S.T.


Động lực lớn từ những con đường cao tốc
Nếu như trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), nước ta mới hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 700 km đường cao tốc thì đến nay, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác khoảng gần 1.000km, đạt gần 50% mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, cả nước có 2.000km.

Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của ngành Giao thông vận tải trong 5 năm qua cũng đạt được nhiều kết quả khả quan và cơ bản đáp ứng các chiến lược, quy hoạch đề ra. Đáng chú ý, trong lĩnh vực đường bộ đã hoàn thành khoảng 70 - 80% so với quy hoạch, đặc biệt là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, đã tạo sự kết nối thuận lợi giữa các phương thức vận tải với nhau, góp phần to lớn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Đánh giá về những tác động to lớn do các dự án cao tốc mang lại, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết, các tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo và hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020 của nước ta. Theo tính toán, chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 20% GDP, vì thế khi cước vận tải hạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, hiệu quả từ các dự án đường bộ như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Hạ Long - Hải Phòng, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên khi đưa vào khai thác đã tạo hiệu quả xã hội rất lớn như: Rút ngắn thời gian đi lại, tạo động lực phát triển cho toàn bộ các vùng kinh tế trọng điểm dọc tuyến và địa phương nơi dự án đi qua; làm tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khu vực Tây Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển lớn về vận tải hàng hóa và hành khách.

Có thể kể đến ở đây một trong những dự án giao thông lớn của Việt Nam đã được đưa vào khai thác và sử dụng trong năm 2018 là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng cùng cầu Bạch Đằng. Với chiều dài 24,6 km, rộng 25 m, được thiết kế cho 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h, được xem là con đường kết nối ba trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Bằng việc hoàn thiện tuyến đường này, quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội được rút ngắn từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm từ 75km xuống còn 25km.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Km 0+000 - Km 139+204) có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, đi qua địa phận Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đã chính thức được thông xe. Tuyến cao tốc 140km đầu tiên tại khu vực miền Trung, kết nối 3 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đang mở ra triển vọng to lớn về phát triển thông thương, kết nối chuỗi giá trị logistics và hút vốn đầu tư tăng nhiệt thị trường bất động sản. Ngoài ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các khu công nghiệp, nghỉ dưỡng dọc tuyến, tuyến cao tốc này còn có ý nghĩa đặc biệt với phát triển của Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhất là khi tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua các địa phương này đang chịu áp lực nặng nề về xe cộ, nhiều vụ tai nạn xảy ra...

Chờ những đổi thay

Tuy giúp kết nối kinh tế giữa các vùng miền, nhưng nhiều dự án vừa mới đưa vào khai thác đã bị xuống cấp, sụt lún do chất lượng thi công không đảm bảo; một số trạm thu phí đường bộ còn vướng phải sự phản đối của người dân do tình trạng “làm một nơi thu phí một nẻo”.

Mới được đưa vào khai thác từ tháng 9/2019, nhưng từ khi thông tuyến đến nay dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã liên tục xuất hiện tình trạng sụt, lún, “ổ voi, ổ gà” gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn kết cấu công trình trong quá trình vận hành khai thác. Không chỉ riêng dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện các tình trạng xuống cấp mà ngay cả cây cầu Bạch Đằng nối Hạ Long-Hải Phòng cũng xuất hiện tình trạng lún võng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi lưu thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, hiện nay trong 5 lĩnh vực giao thông vận tải, đường bộ đáp ứng 70-72%, còn khoảng 30% là 4 lĩnh vực còn lại. Đối với cơ cấu đầu tư, nguồn vốn đầu tư thì 90% dành cho đường bộ, 10% dành cho các lĩnh vực còn lại. 

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông luôn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư toàn xã hội. Nhu cầu vốn cho các dự án giao thông rất lớn, để đáp ứng kịp thời cần phải đa dạng hóa các hình thức huy động, không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy việc huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách là xu hướng tất yếu, khách quan, là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng yêu cầu về vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Để quản lý được chất lượng của các dự án BOT giao thông, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, rất cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh cho đầu tư BOT. Cũng theo ông Đức, những vấn đề về chất lượng, mức thu phí… trong thời gian qua đều là hệ quả của việc triển khai ồ ạt nhiều dự án BOT trong khi chưa có khung pháp luật về BOT, không có luật về PPP, dẫn đến các dự án BOT bị biến tướng và khó giải quyết cho các bên liên quan khi xảy ra vấn đề. Bên cạnh đó, khâu giám sát bị buông lỏng, chất lượng ra sao, tính giá thế nào đều không rõ. Thậm chí, ngay cả khi đưa nhau ra toà thì dự báo là sẽ rất khó xử vì chưa có luật định, do cơ chế pháp lý thực hiện hợp đồng BOT hiện chưa chặt chẽ, trách nhiệm của các bên chưa được phân định rõ ràng.

Để khắc phục được những bất cập của hình thức đầu tư BOT trong phát triển hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải xác định rõ các tuyến đường, các công trình đầu tư bằng hình thức BOT, công bố công khai để các nhà đầu tư và người dân biết để đăng ký và giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng. Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến mới, không đầu tư trên các tuyến độc đạo, bảo đảm người dân có sự lựa chọn trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng đối với các dự án BOT từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư, dự toán công trình, đến quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào khai thác, vận hành, sử dụng bảo đảm giảm giá phí, thời gian thu phí.

Nguồn: Xuân Thảo/baohaiquan. vn