Hơn 400 nhà khoa học và doanh nghiệp dự Diễn đàn Kinh tế xanh 2018

Để thu hút đầu tư và kết nối các nguồn lực, nhiều nhà khoa học đã đến Hậu Giang bàn biện pháp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics.

Sáng 12/12, tại Hậu Giang, UBND tỉnh này cùng Liên minh HTX Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và tạp chí Nhà quản lý đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics. Hơn 400 đại biểu là các cán bộ lãnh đạo, doanh nhân, nhà khoa học kinh tế trong và ngoài nước đã tham dự và cùng thảo luận các giải pháp giúp phát huy đầy đủ thế mạnh sẵn có của địa phương trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logistics.


Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2018.

Lý do chọn Hậu Giang để tổ chức Diễn đàn Kinh tế xanh

Nằm ở vị trí trung tâm châu thổ sông Mekong, Hậu Giang có những lợi thế chiến lược trong phát triển nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế và xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh này còn tận dụng lợi thế giao thông đường thủy vốn chưa được khai thác đúng với tiềm năng. 


Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ phát biểu về "Hậu Giang - Phát triển kinh tế xanh".

Hậu Giang có 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông - thủy sản danh tiếng như khóm Cầu Đúc, cá thát lát cườm và lúa gạo… Tỉnh có 70% dân số trong độ tuổi lao động, cùng với thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước đã giúp Hậu Giang tạo được thế mạnh và tiềm năng trong các lĩnh vực từ nông sản đến thủy sản. 

Bên cạnh sông Hậu, Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt mà không phải địa phương nào cũng có. Kênh xáng Xà No dài gần 40 km, chạy xuyên qua Hậu Giang và kết nối với sông Cần Thơ, được đào cách đây hơn 100 năm. Lợi thế này không chỉ giúp "đò em qua lại để thăm dò ý anh" như trong lời ca xưa mà còn trở thành một tuyến vận tải thủy quan trọng chuyên chở lúa gạo và các sản vật của Hậu Giang đi các tỉnh, thành trong cả nước.

Với vị trí giáp ranh Cần Thơ - trung tâm kinh tế, giao thương, văn hóa, giáo dục của Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Tiềm năng về nông nghiệp, địa lý, giao thông... của tỉnh này cũng lớn nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Hậu Giang vẫn đứng ở vị trí khá khiêm tốn trong bảng xếp hạng phát triển của 13 tỉnh miền Tây. 


Diễn đàn Kinh tế xanh 2018 quy tụ hơn 400 đại biểu bao gồm các cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Những năm gần đây, Hậu Giang có những chủ trương, chính sách được cho là đột phá nhằm đưa tỉnh thuần nông này bứt lên, phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có việc xác định lại thứ tự ưu tiên là thủy sản, rau quả, lúa gạo… 

Đặc biệt, Hậu Giang đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200 ha. Bên cạnh đó là nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp cũng được Hậu Giang quan tâm. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường nằm trong những nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, giúp Hậu Giang bắt kịp và vượt lên các tỉnh trong khu vực miền Tây Nam Bộ và cả nước.

Nông nghiệp và logistics

Logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng hàng năm 16-20%. Theo xếp hạng của World Bank, Việt Nam xếp thứ 64 trên 160 về phát triển logistics và xếp thứ tư ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.


Các diễn giả trong phiên thảo luận "Những xu hướng lớn hiện đại của thị trường nông sản thế giới và cơ hội, thách thức đối với nông sản Việt Nam".

Tuy nhiên, hiện nay chi phí giao thông và chi phí vận chuyển ở Việt Nam ở mức 25% trong khi con số này chỉ chiếm 7-15% ở các nước phát triển. Như vậy, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước khác. 

Nguyên nhân là do khâu phát triển logistics còn hạn chế với cơ sở hạ tầng kém phát triển đi kèm mạng lưới đường bộ quá tải. Logistics kém phát triển là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Chính vì vậy, bài toán chuỗi giá trị nông nghiệp phải luôn gắn chặt và có quan hệ hữu cơ với bài toán phát triển logistics.


Khách tham dự sự kiện thăm gian hàng triển lãm một số nông sản đặc sắc của Hậu Giang như: Cam xoàn Phụng Hiệp, xoài cát Hậu Giang, quýt đường Long Mỹ...

Hiện nay, thị trường logistics toàn cầu dự báo tăng trưởng trung bình 6,54%/năm trong giai đoạn 2017-2020, và đạt 15,5 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tương lai, lĩnh vực logistics thế giới sẽ chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á. 

Đầu tư vào công nghệ và con người là yếu tố quyết định sự phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai. Nhìn vào các yếu tố lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và xu hướng vận động của thị trường quốc tế, có thể thấy lĩnh vực logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn lĩnh vực logistics thế giới, trở thành cửa ngõ giao thương, vận tải của khu vực và thế giới.

Với cách tiếp cận logistics là một thành tố quan trọng trong đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 đã quy tụ các đại diện của tỉnh, nhà đầu tư và đối tác thương mại uy tín trong cả hai lĩnh vực để cùng thảo luận tìm ra giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn. 

Nguồn: Việt Tường - Giang Di Linh. Ảnh: GEF