Khai báo hải quan để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định CPTPP
Biểu thuế xuất khẩu (XK) ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Binh Dương giai đoạn 2019-2022 (Hiệp định CPTPP) với 519 dòng thuế XK ưu đãi và 10.647 dòng thuế NK ưu đãi đã và đang được áp dụng. Để DN khai báo hải quan đáp ứng các điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi, Tổng cục Hải quan hướng cụ thể cho DN và hải quan các tỉnh, thành phố nội dung này.
Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại mô hình quản lý tập trung thuộc Chi cục Hải quan Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh
Kê khai thuế
Hướng dẫn khai thuế đối với hàng NK, Tổng cục Hải quan cho biết: Đối với hàng hóa NK từ Liên bang Mexico nếu đáp ứng các điều kiện để được hưởng thuế suất NK ưu đãi đặc biệt CPTPP theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 57/2019/NĐ-CP thì người khai hải quan thực hiện kê khai mã Biểu thuế B20 trên tờ khai NK.
Hàng hóa NK từ Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Cộng hòa Singapore, Việt Nam (hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước) đáp ứng các điều kiện để được hưởng thuế NK ưu đãi đặc biệt CPTPP theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 57/2019/NĐ-CP thì người khai hải quan thực hiện kê khai mã Biểu thuế B21 trên tờ khai NK.
Riêng đối với các mặt hàng NK áp dụng hạn ngạch thuế quan thuộc nhóm 04.07, 17.01, 24.01, 25.01 thì khai báo như sau:
Hàng hóa thuộc nhóm 04.07, 17.01, 25.01 NK từ Liên bang Mexico trong lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương (ký hiệu TRQ1) và hàng hóa thuộc nhóm 24.01 NK trong hạn ngạch thuế quan thực hiện Hiệp định CPTPP theo quy định của Bộ Công Thương (ký hiệu là TRQ2) thì kê khai mã Biểu thuế B20 và áp dụng thuế suất trong hạn ngạch quy định tại Phụ lục II theo Khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
Hàng hóa thuộc nhóm 04.07, 17.01, 25.01 NK từ Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Cộng hòa Singapore, Việt Nam (hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước) trong lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương (ký hiệu TRQ1) và hàng hóa thuộc nhóm 24.01 NK trong hạn ngạch thuế quan thực hiện Hiệp định CPTPP theo quy định của Bộ Công Thương (ký hiệu là TRQ2) thì nguời khai hải quan thực hiện kê khai mã Biểu thuế B21 và áp dụng thuế suất trong hạn ngạch quy định tại Phụ 1ục II theo khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
Hàng hóa thuộc nhóm 04.07, 17.01, 24.01, 25.01 NK ngoài số lượng hạn ngạch thuế quan TRQl hoặc TRQ2 quy định tại Nghị định 57/2019/NĐ-CP thì áp dụng các mức thuế suất NK theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Riêng đối với mặt hàng ô tô đã qua sử dụng thuộc nhóm 87.02, 87.03, 87.04 NK trong lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện Hiệp định CPTPP từ Liên bang Mexico, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Cộng hòa Singapore đáp ứng các điều kiện để được hưởng thuế NK ưu đãi đặc biệt CPTPP thì người khai hải quan thực hiện kê khai mã Biểu thuế B22 và áp dụng thuế suất quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 57/2019/NĐ-CP.
Còn mặt hàng ô tô đã qua sử dụng NK ngoài lượng hạn ngạch quy định tại Nghị định số 57/2019/NĐ-CP thì áp dụng thuế suất NK theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 125/2017/NĐ- CP ngày 16/11/2017 của Chinh phủ.
Đối với hàng hóa XK, Tổng cục Hải quan cho biết, hàng hóa XK từ Việt Nam được NK vào lãnh thổ các nước: Liên bang Mexico, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Cộng hòa Singapore người khai hải quan thực hiện kê khai mã Biểu thuế B01 tại thời điểm làm thủ tục hải quan và áp dụng thuế suất ưu đãi MFN quy định tại Phụ lục I- Biểu thuế XK theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.
Xử lý tiền thuế nộp thừa
Đối với hàng hóa XK tại các tờ khai đăng ký từ ngày 14/1/2019, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan nộp đầy đủ chứng từ chứng minh hàng hóa XK thỏa mãn quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 57/2019/NĐ-CP, thực hiện khai bổ sung để áp dụng mức thuế suất thuế XK ưu đãi CPTPP thấp hơn thì cơ quan Hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 57/2019/NĐ-CP và Khoản 64, Khoản 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018.
Đối với hàng hóa NK tại các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/1/2019 đến trước thời điểm Nghị định có hiệu lực, đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt CPTPP và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì người khai hải quan thực hiện khai bổ sung để được áp dụng thuế suất NK ưu đãi đặc biệt CPTPP và được xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 57/2019/NĐ-CP và Khoản 64, Khoản 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/NĐCP ngày 20/4/2018.
Người khai hải quan nộp công văn đề nghị xử lý số tiền thuế NK nộp thừa theo Mẫu số 27/CVĐNHNT/TXNK ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, kèm theo Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá CPTPP, chứng từ vận tải hàng hóa chứng minh hàng hóa được NK vào Việt Nam từ các nước Liên bang Mexico, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Cộng hòa Singapore theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 57/2019/NĐ-CP.
Trường hợp hàng hóa được chuyển tải hoặc vận chuyển qua nước thứ ba không phải là các nước thành viên CPTPP nêu trên thì hàng hóa phải thỏa mãn điều kiện giữ nguyên trạng về xuất xứ CPTPP quy định tại điểm c.2, khoản 6 Điều 5 Nghị định 57/2019/NĐ-CP và nộp bổ sung chứng từ chứng minh vận tải trực tiếp qua nước không phải là thành viên CPTPP theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xuất xứ hàng hóa XK, NK.
Với những hướng dẫn trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra xác định xuất xứ CPTPP, kiểm tra mức thuế suất thuế XK ưu đãi, thuế NK ưu đãi đặc biệt CPTPP theo quy định tại Nghị định 57/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, trường hợp hàng hóa XK, NK đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng ưu đãi CPTPP thì thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho người khai hải quan theo quy định.
Theo Báo Hải Quan Online