Logistics trong nền kinh tế mở

Kinh tế mở là cơ hội nhưng cũng là thách thức của doanh nghiệp logistics Việt. Đó là một nội dung quan trọng được các doanh nghiệp mổ xẻ tại hội nghị "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng" do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra cuối tuần qua.

Hoạt động logistics của Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160 nước với điểm số LPI (Chỉ số Năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể (3,27,điểm) - xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32). Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Kinh tế mở là "bệ đỡ" cho logistics

Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics như: trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng với việc ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không... được cải thiện. Sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có tiềm lực và năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nền kinh tế Việt hiện tại có độ mở rất lớn, cùng cơ hội to lớn thông qua hàng loạt FTA đã được ký kết và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Hoạt động logistics không khác gì những "mạch máu" để "cơ thể" kinh tế phát triển.

Bộ trưởng khẳng định, một trong những tỉnh thành trọng điểm nhất là Hải Phòng với việc hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có thể tạo ra những đột biến để trở thành nơi trọng điểm về logistics của cả vùng, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của không chỉ thành phố này mà còn của cả nước.

Doanh nghiệp logistics trong nền kinh tế mở

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết, công ty chỉ là một doanh nghiệp logistic bình thường, nhưng đang nỗ lực ước mơ về một doanh nghiệp lớn. "Tôi rất thích câu slogan 'Trong mỗi doanh nghiệp nhỏ đều ước mơ về một doanh nghiệp lớn' bởi nó thể hiện sự khát khao của doanh nghiệp nói chung và logistics nói riêng được phát triển cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước".

Ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, các FTA như EVFTA và CPTPP, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu cao gấp 2 lần GDP. Đây chính là một thuận lợi cho ngành logistics phát triển.

Theo thống kê, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 15-16%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng với quy mô lao động dưới 50 người.

Theo ông Nghĩa, để logistics Việt thực sự bứt phá, tăng sức mạnh cạnh tranh cho toàn nền kinh tế, Việt Nam cần hơn nữa những công ty lớn mạnh như Sotrans, Vinatrans, Transimex...

Vị doanh nhân này cũng đưa ra nhiều giải pháp cởi trói về vốn, công nghệ cho doanh nghiệp logistics. Ông Nghĩa dẫn dụ, tại một số quốc gia, hệ số đòn bẩy tài chính cho doanh nghiệp là 1:6 hoặc 1:7 khi doanh nghiệp logistics đi vay, mua hoặc thuê mua tài chính phương tiện vận tải để phát triển dịch vụ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ này thường là 1:2. Đây chính là rào cản lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhanh trong ngành này. Vì vậy, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp logistics tiếp cận vốn tốt hơn.

Khó khăn trong tiếp cận đất đai cũng được doanh nghiệp đặt ra khi không gian dành cho logistics không đáng kể, dẫn đến ngành này phát triển thiếu tính bền vững, không được đầu tư sâu dẫn đến chi phí cao, làm giảm tính cạnh tranh. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tạo ra quỹ đất để doanh nghiệp logistics đầu tư sâu vào cơ sở hạ tầng, hạ giá thành vận chuyển.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ có quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2020; khoảng 1 tỷ người trên giới sẽ trở thành "người tiêu dùng quốc tế" nhờ mua hàng nước ngoài qua Internet. Tất yếu của xu thế này sẽ đem đến cơ hội cho logistics điện tử xuyên biên giới (CBEL).

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Công ty cổ phần IMG Innovationes cho biết, trong nền kinh tế mở bậc nhất thế giới như Việt Nam, Chính phủ cần phải thúc đẩy cho giao dịch điện tử xuyên biên giới phát triển bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics, xây dựng các khu thương mại tự do FTZ, đơn giản hoá thủ tục thông quan, nới lỏng đầu tư, điều này có thể thúc đẩy doanh số của doanh nghiệp logistics.

"Pháp luật linh động sẽ tạo thuận lợi cho thủ tục hải quan, giảm và loại bỏ các sản phẩm giả, giúp tăng mua sắm hàng hoá xuyên biên giới", IMG hiến kế...

Theo VnEconomy