Logistics Việt: “Lột xác” nhưng còn nhiều điểm nghẽn
Với tốc độ phát triển 13 - 15%/năm, logistics Việt Nam đã có những đổi thay mạnh mẽ, được nhìn nhận là một trong những ngành đóng vai trò thiết yếu hỗ trợ các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, ngành này cũng đang phải đối mặt không ít điểm nghẽn khó tháo gỡ.
Trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada nằm trong Trung tâm logistics Hateco với hoạt động khá quy mô, hiện đại
“Thay da đổi thịt”
Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Cách đây 3-4 năm, chúng ta còn ít nghe tới câu chuyện logistics. Tuy nhiên, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề này và đã thể hiện thành các văn bản pháp luật như Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, trong thời gian vừa qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ phát triển lên đến 13 - 15%. Đây được nhận định là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn đối với nền kinh tế”.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng: Những năm vừa qua, ngành dịch vụ logistics đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Theo báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố: Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. “Hiện, chúng ta đang phấn đấu tiếp tục tăng lên 5 - 10 bậc, nghĩa là ở thứ hạng 30, ngang bằng với các nước phát triển”, ông Tương nói.
Một trong những khu logistics khá nổi bật tại khu vực miền Bắc hiện nay là Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Ít ai biết rằng chỉ cách đây khoảng 5 năm, “bán đảo” Đình Vũ vẫn còn rất hoang sơ với bạt ngàn lau lách. Ông Nguyễn Thành Phương- Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - chủ đầu tư Khu công nghiệp Đình Vũ cho hay: “Thời điểm hiện tại, đơn vị đang đầu tư phát triển lĩnh vực mới là cảng biển và logistics. Chúng tôi đang đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 1.329 ha. Đây là khu công nghiệp tổng hợp và đang được các nhà đầu tư đánh giá là có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Trong khu công nghiệp này có nhiều phân khu, đặc biệt có phân khu về cảng biển và logistics. Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, đặc biệt là cảng Nam Đình Vũ nằm ở vị trí rất thuận lợi, đủ điều kiện hình thành một trung tâm logistics lớn tại Hải Phòng”.
Ông Phương thông tin thêm: Việc phát triển logistics là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, dư địa để phát triển ngành này rất lớn bởi hạ tầng logistics còn yếu và chi phí logistics cho lĩnh vực vận tải hàng hóa còn lớn. DN có nhiều dư địa để đầu tư phát triển.
Nói sâu hơn về hoạt động của cảng Nam Đình Vũ, ông Nguyễn Mạnh Hà-Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Nam Đình Vũ cho hay: Mới đi vào khai thác từ tháng 2/2018, nhưng sau 10 tháng đi vào khai thác, cảng đã đón khoảng 200 chuyến tàu lớn nhỏ, đi các tuyến quốc tế như đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… với sản lượng hàng hóa thông quan đạt khoảng 200.000 TEU. “Cảng Nam Đình Vũ là một trong những cảng có cơ sở hạ tầng hiện đại nhất khu vực Hải Phòng hiện nay về quy mô, trang thiết bị xếp dỡ tuyến tiền phương cũng như hậu phương và hệ thống kho bãi”, ông Hà nhấn mạnh.
Sự “lột xác” của ngành logistics còn được nhìn thấy khá rõ tại địa điểm nằm ngay tại Thủ đô như Trung tâm logistics Hateco (Khu công nghiệp Sài Đồng-Hà Nội). Tại trung tâm này còn có cả trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada với hoạt động khá quy mô, hiện đại. Ông Đinh Duy Linh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco cho hay: “Trung tâm logistics Hateco có diện tích gần 13 ha và chúng tôi đang tập trung làm trung tâm logistics theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm chi phí. Mục tiêu đặt ra là trung tâm logistics tích hợp, đặc biệt trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh”.
Nhiều điểm nghẽn
Dù dần có sự đổi thay rõ rệt và khẳng định tầm quan trọng, song phải thừa nhận, ngành logistics Việt còn không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển.
Ông Trần Thanh Hải phân tích, trước hết là vấn đề hạ tầng, mặc dù Việt Nam đã có cải tiến nhiều về hạ tầng cho logistics, đặc biệt là về hạ tầng đường bộ, hàng không, song còn thiếu sự kết nối giữa các phương tiện, các hình thức giao thông vận tải, nhất là thiếu sự kết nối giữa đường bộ với các hình thức đường biển, đường sắt. Bên cạnh đó, chi phí logistics trong lĩnh vực về vận chuyển hiện nay còn khá cao do khối lượng lớn hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ. Việc cắt giảm chi phí logistics hiện nay còn rất khó khăn khi chưa khai thác và đẩy mạnh được các phương tiện đường thủy, đường sắt.
Cũng theo ông Hải, điểm nghẽn tiếp theo chính là năng lực cạnh tranh của các DN logistics. “Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, có khoảng 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Bên cạnh yếu tố về vốn, điểm yếu của DN còn là về kinh nghiệm, kỹ năng. DN logistics Việt Nam chưa có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế để khảo sát nhiều. Đây là điều làm cho DN bị thua thiệt trong cạnh tranh. Ngoài ra, sự liên kết đồng bộ giữa các DN cung cấp các công đoạn khác nhau của dịch vụ logistics còn khá kém. Ví dụ, có DN cũng cấp dịch vụ kho, có DN cung cấp dịch vụ vận tải, hỗ trợ… Tuy nhiên, các dịch vụ đó chưa liên kết sâu chuỗi. Đây là điểm yếu của DN Việt Nam so với DN nước ngoài”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng đề cập đến vấn đề thị trường. Việt Nam có lợi thế nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, bờ biển dài có thể làm dịch vụ trung chuyển hàng hóa cho các nước láng giềng. Tuy nhiên, hiện nay điều đó chưa được đẩy mạnh để khai thác tốt. Ngoài ra, điểm yếu nổi cộm của ngành logistics hiện nay còn là ứng dụng công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0. Mặc dù một số trung tâm logistics đã có ứng dụng công nghệ nhưng tự động hóa trình độ cao thì chưa có. Đây là điểm phải khắc phục trong thời gian tới…
Từ thực tế hoạt động của cảng Nam Đình Vũ, ông Hà nêu quan điểm: Điểm rất quan trọng với cảng là khả năng giải phóng hàng càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc cả chuỗi logistics, trong đó có vận tải đường bộ, vận tải đường thủy và đường sắt. Hiện nay, lượng hàng hóa được giao nhận chủ yếu bằng đường bộ chiếm đến 70% lượng hàng hóa vận chuyển ở Việt Nam. Tại khu vực phía Bắc, con số này có thể lên tới trên 80%. Đường sắt gần như không có.
“Với áp lực giao thông như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa, giải phóng hàng ra khỏi cảng. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu vấn đề quy hoạch, giảm áp lực cho đường bộ, tìm giải pháp về đường thủy nội địa, đường sắt để làm sao giảm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ logistics cũng như giảm thời gian hàng hóa lưu tại cảng, kho. Nếu so sánh giữa đường thủy nội địa và đường bộ thì hiện nay chi phí đường thủy nội địa đang tiết kiệm 30%. Nếu thời gian tới có giải pháp mới mang tính đột phá, chi phí hoàn toàn có thể giảm thêm 20-30% nữa. Điều đó có nghĩa là, chi phí logistics có thể giảm một nửa nếu như cải thiện được các dịch vụ logistics khác như vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt…”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo Báo Hải Quan Online