Nâng cao vị thế hàng Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

Năm 2018, xuất khẩu (XK) của Việt Nam tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với tổng kim ngạch hàng hóa ước đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của khu vực DN trong nước đã vươn lên mạnh mẽ.

Xuất khẩu khối doanh nghiệp Nhà nước tăng trưởng

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018, kim ngạch XK đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Trong đó, 29 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch XK của cả nước.

Nếu như những năm trước, hoạt động XK dựa vào DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì năm 2018, khu vực kinh tế trong nước đã có những bước chuyển mạnh mẽ, vượt qua khu vực FDI về tốc độ tăng trưởng. Tổng kim ngạch XK khu vực kinh tế Nhà nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9% so cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng 12,9% của khu vực FDI. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, các DN trong nước đang tập trung XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ… Hiện, nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới và xuất sang hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ: “Năm 2018, kim ngạch XK ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh mẽ và đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%. Hiện, trái cây Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia…” - ông Phan Văn Chinh nêu ví dụ.
Thực tế cho thấy, kim ngạch XK của DN Việt đạt tốc độ tăng trưởng cao là nhờ nhiều yếu tố từ cả phía nội lực DN và sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, DN Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường XK, đồng thời đã nỗ lực gia tăng giá trị XK thay vì làm gia công như trước đây. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ (chiếm tỷ lệ 55,5%), tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh sản xuất và gia tăng XK.

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt khoảng 258 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này có rất nhiều thách thức. Dự báo kinh tế thế giới năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn diễn ra căng thẳng. Đây là những nhân tố tác động mạnh đến hoạt động XK.
Trước những diễn biến khó lường của thương mại thế giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để đạt được mục tiêu XK đề ra, trong thời gian tới, DN phải nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm XK. Đặc biệt, cần tăng liên kết DN trong nước với nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với DN cung cấp đầu vào trong nước, bởi đây là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng tình với ý kiến này, khi nói về vấn đề đẩy mạnh đưa hàng Việt tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân phân tích: Trước đây, DN Việt Nam chỉ tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ nhưng điều này làm sản phẩm Việt giá trị gia tăng thấp. Nhằm khắc phục điểm yếu này, Chính phủ đã đầu tư, phát triển khâu nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Đến nay, DN ngành da giày đã chủ động được 55% nguyên liệu sản xuất, qua đó giảm tỷ trọng nhập khẩu. Ngoài ra, để thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, DN đã cùng với khách hàng tham gia nghiên cứu phát triển các vật liệu, mẫu mã mới do các nhà máy tạo ra và được khách hàng chấp nhận. “Đó là một trong những giá trị gia tăng giúp ta ăn sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giữ chân khách hàng”- bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, DN cho thấy, thời gian tới, Bộ Công Thương cần nâng cao hiệu quả kết nối, giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Thay đổi hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng chuyên sâu từng mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn, không làm dàn trải như hiện nay. Những biện pháp này sẽ hỗ trợ DN và hàng Việt nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị XK toàn cầu.

 

Nguồn: Theo Kinh tế đô thị