Những điều cần biết về tiền phạt lưu container trong vận tải biển (phần I)

Hội nghị Nhóm công tác đường biển của FIATA (WGS) đã được VLA tổ chức thành công lần đầu tiên tại TP. HCM vào hai ngày 11 - 12/02/2019. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch FIATA, kiêm Chủ tịch WGS, Jens Roemers đã trình bày nội dung “Thực tiễn tốt nhất về Tiền phạt lưu container có hàng (demurage) và Tiền phạt lưu container rỗng (detention) trong vận chuyển hàng container bằng đường biển” (Best Practices on Demurrage and Detention in Container Shipping).

Đây là kết quả nghiên cứu của các cố vấn WGS, nhấn mạnh vấn đề toàn cầu này đang nổi lên mạnh mẽ. Nội dung bài trình bày đã được các đại biểu dự hội nghị quan tâm và trao đổi vì đây cũng là vấn đề nóng hổi tại khu vực Đông Nam Á và ở Việt Nam, được các Chính phủ quan tâm. FIATA khuyến khích các Hiệp hội logistics quốc gia phổ biến những thực tiễn tốt nhất này giữa các Hội viên và sử dụng nó trong liên hệ và thương thảo với các bên có liên quan. Đây là tài liệu tham khảo tốt cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam.

Những bài giới thiệu hướng dẫn thực hành này của WGS nhằm giúp cho các Hiệp hội Quốc gia của FIATA và mỗi Hội viên FIATA riêng lẻ kinh doanh dịch vụ giao nhận vận tải. Chi phí về Tiền phạt lưu container có hàng (Demurrage) và Tiền phạt lưu container rỗng (Detention) không được các khách hàng sử dụng dịch vụ hàng hải mong muốn và luôn tìm cách tránh xa mỗi khi có thể. Hướng dẫn này phân định rõ những lý do chính đáng vì sao các chi phí có thể xảy ra và những trường hợp nào các chi phí có thể giảm mức tối thiểu hoặc loại bỏ. Mục đích của bản hướng dẫn thực hành tốt nhất này là ở chỗ bất cứ người đọc nào, dù trong ngành dịch vụ nào cũng có thể nhận thấy sự hợp lý và có giá trị trong mỗi kịch bản đề ra, nó rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề. Tài liệu này nhằm phân tích tình hình hiện tại và đưa ra những thực hành tốt nhất mà tất cả các bên vận chuyển hàng hóa qua cảng biển có thể tự nguyện thực hiện. Những thực hành tốt nhất này có thể giúp giảm chi phí không cần thiết trong dây chuyền cung ứng cũng như hành vi kém hiệu quả có thể dẫn đến chi phí về phát lưu giữ và dôi nhật. Luật chống độc quyền trên toàn thế giới ngăn cấm các tổ chức đại diện như FIATA không được tham gia vào hành động thương mại. Tuy nhiên, FIATA gợi ý rằng các đối tác thương mại có thể sự dụng Hướng dẫn này để tranh tụng vụ việc của họ trong tranh chấp thương mại.

Giới thiệu tóm tắt

Chi phí về Demurage và Detention là một công cụ quan trọng đối với các hãng vận chuyển nhằm đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả số lượng container tồn kho của mình mà đây là nguồn đầu tư to lớn của của họ. Đối với hãng tàu, điều quan trọng là phải luân chuyển số lượng container càng nhanh càng tốt, vì vậy họ không khuyến khích những người sử dụng container vượt quá thời gian cho phép theo quy định của hãng tàu.

Trong mấy năm qua, thời gian sử dụng container không phải trả phí đã được giảm xuống và biểu phí Demurrage và Detention đã tăng lên đáng kể. Các hãng tàu đã bị cáo buộc vềsựlạmdụngvịthếcủahọqua việc thu các khoản phí này một cách không hợp lý đối với các thương nhân gửi hàng. Dư luận nổi lên là các hãng tàu đã lạm dụng các chi phí này nhằm nâng cao thu nhập và lợi nhuận của mình. Báo cáo của Drewry trong năm 2016 cho biết “doanh thu thêm này từ Demurage và Detention ngoài tiền cước phí đã giúp họ có kết quả kinh doanh tốt hơn”.

Trong bối cảnh này, Ủy ban Hàng hải Liên bang của Mỹ (FMC) đã tiến hành một cuộc điều tra được đề cập là “Tìm hiểu thực tế 28”. Cuộc điều tra này tập trung vào “những thực tiễn của những người chuyên chở khai thác tàu biển và các nhà khai thác cảng biển liên quan đến Demurrage và Detention”. Ủy ban thực hiện việc điều tra này do kết quả của một thỉnh cầu và điều trần của một liên minh các nhà gửi hàng, các bên trung gian và các bên có quyền lợi trong vận tải container. Những người có quyền lợi này đã yêu cầu FMC đưa ra chỉ dẫn về lý do gì dẫn đến Demurrage và Detention “bất hợp lý” này theo luật Mỹ.

Về nguyên tắc, tiền phạt lưu giữ và dôi nhật có hai mục đích chính: (1) Bù đắp cho hãng tàu về việc sử dụng container của mình; (2) Khuyến khích thương nhân sử dụng trả lại container càng sớm càng tốt để cho hãng tàu sử dụng tiếp và có vòng luân chuyển container nhanh.

Chính nghĩa vụ của các hãng tàu là phải cung cấp một thời gian miễn phí hợp lý cho phép thương nhân sử dụng một thời gian thực tế cho: Việc xếp và giao container cho hàng xuất khẩu; Việc tiếp nhận, dỡ hàng và hoàn trả container rỗng đối với hàng nhập khẩu.

Các định nghĩa

Có các công bố và biểu phí nêu các định nghĩa khác. Trong tài liệu này, FIATA đã sử dụng các định nghĩa sau:

Tiền phạt lưu container có hàng (Demurrage): Là chi phí mà thương nhân trả cho việc sử dụng container trong phạm vi cảng biển cho thời gian quá thời hạn cho phép miễn phí.

Tiền phạt lưu container rỗng (Detention): Là chi phí mà thương nhân trả cho việc sử dụng container ở ngoài cảng biển hoặc đề-pô cho thời gian quá thời gian cho phép miễn phí.

Hợp nhất Tiền phạt lưu container có hàng và Tiền phạt lưu container rỗng (Merged demurrage & detention): Là chi phí mà thương nhân trả cho việc sử dụng container vượt quá thời hạn cho phép miễn phí khi tiền phạt dôi nhật và tiền phạt lưu giữ khi hợp nhất thành một thời gian duy nhất.

Thời gian cho phép miễn phí (Free time): Là thời gian thương nhân không phải trả phí, quá thời hạn đó Tiền phạt lưu container có hàng và Tiền phạt lưu container rỗng được áp dụng áp dụng.

Chi phí lưu kho bãi (Storage charges): Là chi phí (nhưng không giới han trong việc thuê cầu cảng) do người khai thác cảng biển tính cho container để trên mặt đất cảng. Những chi phí này thường được người khai thác cảng đòi hãng tàu và có thể cộng thêm một khoản chí phí nhỏ.

Thời gian phạt lưu container có hàng - nhập khẩu (Demurrage time – import): Đối với hàng nhập, thời gian tiền phạt container có hàng là thời gian tính từ khi dỡ container khỏi tàu biển cho đến khi đưa ra khỏi cổng cảng container đầy hàng.

Thời gian phạt lưu container có hàng –xuất khẩu (Demurrage time – export): Đối với hàng xuất, thời gian phạt lưu giữ container có hàng là thời gian tính từ khi đưa container đầy hàng vào cổng cảng cho tới khi container đầy hàng đó được xếp lên tàu biển.

Thời gian phạt lưu container rỗng – hàng nhập (Detention time – import): Đối với hàng nhập, thời gian phạt lưu container rỗng là thời gian tính từ container đầy hàng đưa ra khỏi cổng cảng cho đến khi container rỗng được đưa vào cổng cảng tới điểm thu hồi container.

Thời gian phạt lưu container rỗng – xuất khẩu (Detention time – export): Đối với hàng xuất, thời gian phạt lưu giữ container rỗng là thời gian tính từ khi nhận container rỗng từ cảng biển hoặc đề-pô tới khi đưa container đầy hàng vào cảng.

Nguồn: Nguyễn Tương, Ngô Khắc Lễ