Quảng Tây trong chiến lược thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN
Trung Quốc vừa tổng kết 40 năm cải cách với những thành tựu bước ngoặt trên tất cả các lĩnh vực. Trong hành trình phát triển ấn tượng đó của đất nước Trung Hoa, Quảng Tây đã đã để lại những dấu ấn đáng nhớ.
Một góc thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Internet
Quảng Tây có vị trí địa chiến lược đặc biệt, mặt hướng về Đông Nam Á, sau lưng là cả vùng Tây Nam rộng lớn, lại gần các địa phương có nền kinh tế phát triển như Quảng Đông, Ma Cao, Hongkong, có cảng Vịnh Bắc Bộ với năng lực bốc xếp hàng hóa 326 tấn/phút…
Với những ưu thế, tiềm năng to lớn đó, Quảng Tây đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển theo hướng là đầu mối, trung tâm kết nối Đông Tây, Nam Bắc với phương châm “Hòa Đông, hợp Tây, hướng Nam, nối Bắc”.
Ngày 12-11-2018, Trung Quốc ký kết Bản ghi nhớ với Singapore chính thức đổi tên “Tuyến đường hướng Nam” thành “Tuyến đường kết nối thương mại đường biển và đường bộ quốc tế mới”. Theo đó, trong khuôn khổ Dự án kết nối Trung Quốc - Singapore, Tuyến đường kết nối thương mại đường biển và đường bộ quốc tế mới có nội hàm sâu rộng hơn, không chỉ là kết nối “phần cứng” như logistic, cơ sở hạ tầng và còn bao gồm cả “phầm mềm” trên các lĩnh vực dữ liệu, tài chính tiền tệ…
Mục đích của tuyến đường này ngoài xây dựng cộng đồng lợi ích chung miền Tây Trung Quốc với khối ASEAN còn góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường”.
Là điểm kết nối quan trọng tuyến hành lang trên biển, cảng Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây được kết nối với các cảng chính của các nước ASEAN, thông tuyến với hơn 200 cảng biển của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hình thành mạng lưới “đường cao tốc trên biển” rộng khắp, đưa Quảng Tây trở thành Trung tâm logistic quan trọng của các tỉnh thành miền Tây Nam Trung Quốc hướng tới các nước ASEAN.
Hiện nay, với năng lực bốc xếp hàng hóa trên 200 triệu tấn/năm, cảng Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây trở thành cánh cửa mở ra tuyến thương mại đường biển kết nối các địa phương nội địa Trung Quốc với các nước ASEAN, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.
Trên đường bộ, các tuyến vận tải xuyên biên giới, đường sắt và liên vận đường sắt quốc tế trong khuôn khổ Tuyến đường kết nối thương mại đường biển, đường bộ quốc tế mới lần lượt được thông tuyến và đi vào vận hành ổn định. Tháng 3-2018, tuyến vận tải đường sắt quốc tế hướng Nam Trung Quốc - châu Âu được kéo dài, thông tuyến tới Việt Nam (Hà Nội) qua các ga Nam Ninh và cửa khẩu Bằng Tường của Quảng Tây (Trung Quốc).
Tương lai, tuyến đường sắt này sẽ được kết nối với mạng lưới đường sắt các nước ASEAN mở rộng, đến Bangkok (Thái Lan), Lào, Singapore, góp phần đẩy mạnh hội nhập sâu hơn hành lang kinh tế gồm 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc và 5 nước ASEAN.
Ngoài ra, là một điểm đầu mối trong Tuyến đường kết nối thương mại đường biển và đường bộ quốc tế mới, từ Bằng Tường đã có các tuyến vận tải Bằng Tường - cảng Hải Phòng, Bằng Tường - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bằng Tường - Việt Nam - Savannakhet (Lào) - Bukit Kayu Hitam (Malaysia). Đây là những tuyến vận tải ngắn nhất từ Trung Quốc đến khu vực các nước ASEAN.
Hiện nay, Quảng Tây và các nước ASEAN đang đẩy nhanh xây dựng kết nối đường biển và đường bộ, tương hỗ lẫn nhau, tạo thành mạng lưới vận tải mở kết nối thông suốt.
Nguồn: Baomoi. com