Sửa quy định xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với thực tế

Đó là đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Hải quan đưa ra tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-PC, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (gọi tắt là Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan) diễn ra ngày 3/9.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Đặc biệt, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan là một trong những cơ sở quan trọng trong thực hiện việc đánh giá, phân loại DN làm tiêu chí áp dụng các chế độ ưu đãi thủ tục hải quan, phân luồng hàng hoá khi thực hiện thủ tục hải quan, góp phần cải cách thủ tục hành chính về hải quan, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK hàng hóa và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.

Theo đánh giá của Vụ Pháp chế, mặc dù sau 3 năm thực hiện, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan đã quy định tương đối đầy đủ, bao quát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhưng quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế như: Thiếu chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm phát sinh từ các quy định mới về thủ tục hải quan, chính sách thuế, chính sách mặt hàng; một số hành vi vi phạm đã không còn phù hợp về khung phạt tiền, hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả; một số hành vi vi phạm không còn phù hợp do đã có những thay đổi từ yêu cầu quản lý; một số hành vi có định danh chưa rõ ràng, chưa phù hợp nên quá trình thực hiện thiếu thống nhất; một số quy định về cưỡng chế không phù hợp trong thực tiễn nên khi tổ chức thực hiện còn khó khăn, vướng mắc…

Ngoài ra, thời gian qua, đã có một số luật quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan, thuế đã được sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, Vụ Pháp chế cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan hiện hành.

Dự kiến, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan sẽ gồm Dự thảo gồm 3 chương và 76 Điều. Cụ thể: Chương I: Gồm 27 Điều, quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan; Chương II: Gồm 45 Điều, quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính lĩnh vực hải quan và Chương III: Gồm 4 Điều, quy định điều khoản thi hành.

Theo Hải quan Online