Thiếu Nhiên Liệu Đe Dọa Đến Phát Triển Logistics Xanh

Phát triển logistics xanh phải đối diện với nhiều thách thức do thiếu hụt metanol xanh và sự phức tạp trong khâu xử lý hydro xanh và amoniac.

Maersk hãng vận tải container tại Đan Mạch có kế hoạch vận hành các tàu chạy bằng metanol xanh vào năm tới.

Hiện, công ty có 13 tàu đặt hàng từ Hyundai Heavy Industries, Hàn Quốc chạy bằng metanol xanh, thân thiện với môi trường hơn nhiên liệu hóa thạch. Đây là một phần kế hoạch lớn của Maersk trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2040.

Tuy nhiên, công ty đang phải đối mặt với thách thức khi không đủ nhiên liệu xanh để các con tàu này đi vào hoạt động.

Các hãng vận tải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu xanh để duy trì việc vận hành các con tàu. Ảnh: Bloomberg

Morten Bo Christiansen, người đứng đầu bộ phận khử carbon của Maersk, chia sẻ: "Dự kiến, Maersk sẽ có 13 tàu chạy bằng nhiên liệu xanh vào năm 2026. Trước mắt, các con tàu này có thể chạy bằng nhiên liệu hóa thạch nhưng trong tương lai sẽ hoạt động bằng methanol xanh". Công ty cũng ký kết hợp tác với 6 nhà phát triển năng lượng trên toàn cầu để tăng cường sản xuất methanol xanh đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Đối thủ của Maersk là CMA CGM cũng đang theo đuổi chiến lược logistics xanh tương tự. Gần đây, công ty này thông báo đã mua 6 tàu chạy bằng methanol. Theo đại diện của CMA CGM, công ty "cam kết sử dụng nguyên liệu thay thế như biomethane, sẽ đáp ứng ít nhất 10% lượng tiêu thụ của tàu vào năm 2023".

Các công ty vận tải biển sẽ cần lượng methanol xanh hoặc các nhiên liệu xanh khác phù hợp để đảm bảo vận chuyển và giảm lượng phát thải carbon. Về lâu dài, để khử carbon trong các tuyến vận tải trên thế giới, các hãng này cần đa dạng các nguồn nhiên liệu thay thế.

Giải pháp thay thế đang được xem xét là amoniac. Do đây là một loại khí nên quy trình xử lý khá tốn kém và độc hại. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trên tàu chưa thể tích hợp với loại nhiên liệu này.

Bên cạnh đó, để đưa hydro xanh vào vận hành, các công ty cũng phải đối mặt với một số thách thức riêng.

Đại diện của tổ chức Hội đồng Quốc tế về Vận tải sạch, Bryan Comerc chia sẻ: "Để lưu trữ đủ lượng hydro trên tàu, gần như chắc chắn phải hóa lỏng. Ban đầu loại nhiên liệu này phải rất lạnh, sau đó được bảo quản trong các thùng cách nhiệt". Điều này khiến hydro xanh chiếm nhiều không gian trên tàu, đồng thời, nhiên liệu có mật độ năng lượng thấp theo thể tích, vì vậy, cần phải tiếp nhiên liệu thường xuyên hơn và đảm bảo luôn đủ nguồn cấp hydro xanh trong khu vực hoạt động vận tải.

Do đó, vấn đề của xanh hóa logistics không chỉ dừng lại ở việc đóng tàu, tìm nguồn cung nguyên liệu, các hãng vận tải cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng trên đất liền để tiếp nhiên liệu và bảo trì để đáp ứng được tham vọng khử cacbon.

Các công ty vận tải biển sẽ cần lượng methanol xanh hoặc các nhiên liệu xanh khác phù hợp để cung cấp năng lượng cho những con tàu. Ảnh: MediaNews Group

Các công ty vận tải biển sẽ cần lượng methanol xanh hoặc các nhiên liệu xanh khác phù hợp để cung cấp năng lượng cho những con tàu. Ảnh: MediaNews Group

Theo thống kê từ Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), ngành vận tải biển chịu trách nhiệm cho gần 3% khí tải trên toàn thế giới. Do đó, việc các công ty sử dụng nhiên liệu xanh trong vận tải có thể đem tính "bước ngoặt" giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon trên toàn cầu.

Faig Abbasov, đại diện một tổ chức phi chính phủ về Giao thông và Môi trường, cho biết, đến năm 2050, nhiều ngành công nghiệp đã đặt ra các mục tiêu khử cacbon hoặc đạt đến mức phát thải ròng. Tuy nhiên, trên thực tế, các mục tiêu trên khó khả thi trên phạm vi toàn cầu hay toàn châu Âu.

Ông cũng nhấn mạnh thêm, để thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu xanh cần có các quy định chặt chẽ. Theo đó, Quy định Hàng hải FuelEU của Liên minh Châu Âu, đặt ra các mục tiêu cho các tàu phải giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những thập kỷ tới. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2025.

"Hiện, không có loại nhiên liệu sạch nào có giả cạnh tranh với nhiên liệu hóa thành", Comerc giải thích. Tuy nhiên, các động thái thúc đẩy vận tải xanh tại các khu vực trên thế giới như châu Âu, châu Á hay Tổ chức Hàng hải Quốc tế của Liên hợp quốc có thể giúp giảm thiểu khí thải trong hoạt động vận tải.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)