Triển vọng nào cho kinh tế Việt Nam trong 2019?

Trong năm 2019, Việt Nam có thể tận dụng được một số tác động tích cực từ diễn biến kinh tế thế giới, từ đó sẽ đóng góp vào thương mại, đầu từ và tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Lạm phát năm 2019 có thể sẽ cao hơn năm 2018 do có những sức ép gia tăng

Đánh giá kinh tế thường niên 2018 cho thấy, cuộc chiến thương mai Mỹ - Trung có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ khi các sản phẩm Trung Quốc trở nên đắt đỏ.

Phạm vi hàng hóa Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau gồm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang xuất sang Mỹ như may mặc, nông sản, đồ gỗ, nội thất...

Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định CPTPP cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường và tác động tích cực đến kim ngạch thương mại song phương và đa phương.

Có thể trở thành "điểm trũng" đầu tư

Vẫn theo ấn phẩm đánh giá kinh tế thường niên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố gần đây, dòng đầu tư quốc tế cũng có thể dịch chuyển từ điểm đến là Trung Quốc sang các quốc gia khác, tăng cơ hội cho Việt /nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt của Mỹ.

Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện hơn nữa về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh và năng suất lao động, Việt Nam sẽ có thể trở thành "điểm trũng" thu hút đầu tư quốc tế trong khu vực và châu Á.

Ở trong nước, nền kinh tế được tạo đà ban đầu từ chất lượng tăng trưởng có cải thiện từ năm 2018. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2019 xét từ khu vực kinh tế sẽ vẫn đến chủ yếu từ khu vực FDI, đi kèm là cán cân thương mại cải thiện.

Điểm thuận lợi cho Việt Nam là với tình hình chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI có tính cạnh tranh cao, cộng thêm những tác độgn tích cực từ tình hình thế giới gần đây, Việt Nam sẽ tăng trưởng tiếp tục chủ yếu dựa vào đầu tư và thương mại quốc tế.

Xét từ các ngành sản xuất, kinh tế năm 2019 sẽ được thúc đẩy chủ yếu từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, với vai trò quan trọng của khu vực FDI. Kinh tế năm 2019 cũng sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi vững chắc của ngành nông - lâm - thủy sản. Trong khi đó, ngành công nghiệp khai khoáng đã đến hạn, tiếp tục gặp khó khăn, trong khi ngành công nghiệp xây dựng sẽ có dấu hiệu chững lại do tín dụng bất động sản bị thắt chặt hơn.

Hướng đến tăng trưởng bền vững

Tuy nhiên, ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2018 cũng đưa ra cảnh báo, kinh tế Việt Nam 2019 cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức nếu không có những giải pháp triệt dể thì có thể đe dọa đến xu hướng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Thứ nhất là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Đơn cử, tính bất định và khó lường trong môi trường kinh tế thế giới tiếp tục tăng do cạnh tranh giữa các nước lớn quyết liệt hơn và quá trình toàn cầu hóa kinh tế bước vào giai đoạn hiệu chỉnh với nhiều yếu tố khó lường. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn từ những cú sốc bên ngoài, trong khi khả năng kháng chịu và thích ứng của Việt Nam còn chưa cao do những nền tảng tăng trưởng còn yếu, khung chính sách còn chưa hiệu quả, hệ thống tài chính còn nhiều rủi ro...

Với sự đóng góp lớn từ khu vực FDI trong nhiều năm qua, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn. Với những bất ổn của xu hướng thương mại và đầu tư thế giới, các chuỗi sản xuất này có thể bị ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn ở những khâu sản xuất ở Việt Nam.

Khi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc sẽ tìm đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, gia tăng sức ép với hàng hóa Việt Nam tại chính thị trường trong nước hoặc tại các thị trường các nước nhập khẩu cả hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc.

Quá trình điều chỉnh lại chính sách tiền tệ của Mỹ và EU được dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới, kéo theo sự mất giá của các đồng tiền và giá cả gia tăng ở hầu hết các nước đang phát triển. Cùng với bất ổn của giá dầu thế giới, điều này sẽ tạo áp lực lên NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VND, trong bốt cảnh dự địa chihs sách tiền tệ đã bị thu hẹp.

Thứ hai là rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh. Mặc dù đã có nhiều chính sách hướng về doanh nghiệp, nhưng kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, chưa được thực thi một cách quyết liệt và thực chất. Thực tế kết quả sản xuất cũng như các cơ hội sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân còn rất yếu, các rào cản phát triển còn nhiều.

Thứ ba là dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp khi sản lượng đang cao hơn mức sản lượng tiềm năng. Việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng có thể gây áp lực đén rủi ro lạm phát, đặc biệt là gây sức ép đến ổn định tài chính, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vẫn đề nợ xầu và tỉ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện đáng kể.

Theo enternews.vn